Saturday, May 18, 2013

Festival biển Nha Trang năm 2013

Festival biển Nha Trang năm 2013

Ngày 17-5, tại TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức họp báo giới thiệu Festival Biển 2013 với chủ đề “Nha Trang – Biển hẹn” diễn ra từ ngày 8-6 đến 11-6 tại Cung Hoa hậu Hoàn vũ Diamond Bay, thành phố Nha Trang.

Festival biển Nha Trang được xem là sự kiện lớn nhất của TP Nha Trang năm 2013. Tại đây du khách sẽ được tham gia vào các hoạt động văn hóa, lễ hội hấp dẫn như: Tour “Câu cá biển đêm”; du lịch đảo yến Hòn Nội; du ngoạn biển đêm; lễ hội bia tươi; lễ hội rượu vang; vũ hội disco của biển; hội thi câu cá; hội thi cắm hoa, làm bánh truyền thống; thả diều nghệ thuật; trò chơi dân gian bài chòi; ẩm thực truyền thống quê hương với hương vị biển; hội thi bơi thúng, lắc thúng…

Điểm nhấn của Festival biển năm nay là Hội chợ Du lịch Biển đảo quốc tế Nha Trang – Việt Nam 2013 (ISTE 2013) với chủ đề “Biển đảo và sự phát triển du lịch”. Hội chợ sẽ tập trung vào ba loại hình du lịch: Inbound (thu hút khách nước ngoài vào Việt Nam); outbound (mời các cơ quan du lịch quốc gia và doanh nghiệp nước ngoài đến giới thiệu sản phẩm cho du khách tại Việt Nam) và du lịch nội địa.

Đây sẽ là cơ hội để quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch biển đảo Việt Nam, nhằm thu hút khách du lịch quốc tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài và cũng là cơ hội cho ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa và các địa phương có biển được tiếp xúc, giới thiệu các sản phẩm du lịch tiêu biểu, chất lượng nhất với các đối tác quốc tế và du khách trong và ngoài nước.

ÁNH NGỌC – nhandan.com.vn

Related Posts

Quản lý và tổ chức lễ hội năm 2013 đã có chuyển biến tích cực

 

Sáng 17-5, tại huyện Mỹ Ðức (Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị "Sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội Xuân Quý Tỵ năm 2013" nhằm  đánh giá  những mặt được và chưa được, từ đó đề xuất các giải pháp tổ chức lễ hội ngày càng  tốt hơn.

Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công tác quản lý nhà nước về  tổ chức lễ hội trong dịp Xuân Quý Tỵ năm 2013 vừa qua đã có   chuyển biến rõ rệt.  Hoạt động lễ hội ngày càng đi vào nền nếp, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, cộng đồng dân cư, nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý và tổ chức lễ hội  vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục, như quản lý lễ hội còn nặng tính hành chính;  người đi lễ quá đông dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy; đặt tiền lễ không đúng nơi quy định, tuy đã được tổ chức thu gom nhưng chưa triệt để; hiện tượng chèo kéo khách hoặc các trò cờ bạc trá hình, khấn thuê, mê tín dị đoan... vẫn còn diễn ra lén lút ở một số lễ hội. Ý thức của một số người tham gia lễ hội còn hạn chế... Hiện tượng trộm cắp, móc túi khách đi lễ vẫn còn tồn tại, nhiều bãi giữ xe mọc lên chung quanh di tích "chặt chém" người dân...

(Theo Nhandan)